Đại Tây Dương (1419-1507) Thời_đại_Khám_phá

Các tuyến giao thương hàng hải của người Genoa (đỏ) và người Venice (lục) ở Địa Trung Hải và Biển Đen

Từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XV, Cộng hòa Venice và các nước cộng hòa hàng hải lân cận đã nắm giữ độc quyền thương mại châu Âu với Trung Đông. Việc buôn bán tơ lụa và gia vị, bao gồm hương, thảo mộc, thuốc và thuốc phiện, đã làm cho các quốc gia thành bang Địa Trung Hải này trở nên giàu có. Gia vị là một trong những sản phẩm đắt tiền và được đòi hỏi cao nhất thời Trung cổ, vì chúng được sử dụng trong y học,[33] các nghi lễ tôn giáo, mỹ phẩm, nước hoa, cũng như phụ gia thực phẩm và chất bảo quản.[34] Chúng đều được nhập từ châu Á và châu Phi.

Các thương nhân Hồi giáo, chủ yếu là hậu duệ của các thủy thủ Ả Rập từ Yemen và Ô-man, thống trị các tuyến hàng hải trên khắp Ấn Độ Dương, khai thác các vùng nguồn ở Viễn Đông và vận chuyển các sản phẩm tại các khu thương điếm ở Ấn Độ, chủ yếu là Kozhikode, về phía tây đến Ormus ở Vịnh Ba Tư và Jeddah ở Biển Đỏ. Từ đây, các tuyến đường bộ dẫn đến bờ biển Địa Trung Hải. Các thương nhân Venice đã phân phối hàng hóa qua châu Âu cho đến khi Đế chế Ottoman trỗi dậy, dẫn đến sự sụp đổ của Constantinople năm 1453, ngăn cản người châu Âu sử dụng các tuyến đường bộ và trên biển.[35][36]

Buộc phải sụt giảm các hoạt động của họ ở Biển Đen, và chiến tranh với Venice, người Genoa đã chuyển sang buôn bán lúa mì, dầu ô liu (có giá trị như một nguồn năng lượng) và tìm kiếm vàng bạc. Người châu Âu đã thâm hụt liên tục vàng bạc,[45] vì tiền chỉ đi một chiều: ra ngoài, chi cho thương mại phương Đông mà giờ đã bị cắt đứt. Một số mỏ ở châu Âu đã cạn kiệt,[46] thiếu thỏi vàng dẫn đến sự phát triển của một hệ thống ngân hàng phức tạp để quản lý rủi ro trong thương mại (ngân hàng nhà nước đầu tiên, Banco di San Giorgio, được thành lập năm 1407 tại Genoa). Đi thuyền đến các cảng của Bruges (Flanders) và Anh. Các cộng đồng Genoa sau đó được thành lập ở Bồ Đào Nha,[47] kiếm lợi từ doanh nghiệp và chuyên môn tài chính của họ.

Thuyền buồm châu Âu chủ yếu buôn bán ven biển, sử dụng hải đồ portolan. Những hải đồ này xác định các tuyến đường biển dựa trên các hải cảng dọc bở biển: các thủy thủ khởi hành từ một điểm đã biết, đi theola bàn và cố gắng xác định vị trí của họ bằng các mốc gắn với đất liền của nó.[48] Đối với cuộc thám hiểm đại dương đầu tiên, người Tây Âu đã sử dụng la bàn, cũng như những tiến bộ mới trong phác bản đồ và thiên văn học. Các công cụ điều hướng của Ả Rập như thước trắc tinhthước đo phần tư được sử dụng để xác đinh vị trí dựa trên thiên văn hàng hải.

Các khám phá của người Bồ

Giao thương xuyên Sahara khoảng năm 1400, với vùng Niger được tô đậm

Năm 1297, cuộc reconquista kết thúc ở Bồ Đào Nha, vua Dinis xứ Bồ đã tỏ mối quan tâm đến xuất khẩu và năm 1317, ông đã thỏa thuận với thủy thủ thương gia Genoa tên Manuel Pessanha (Pessagno), bổ nhiệm ông là đô đốc đầu tiên của hải quân Bồ Đào Nha, với mục tiêu bảo vệ đất nước chống lại các cuộc tấn công cướp biển Hồi giáo.[37] Sự bùng phát của bệnh dịch hạch đã dẫn đến sự sụt giảm dân số nghiêm trọng nửa sau thế kỷ XIV: chỉ có đường biển mới an toàn, với phần lớn dân cư định cư ở vùng đánh cá và buôn bán ven biển.[38] Từ năm 1325 đến 1357, Afonso IV xứ Bồ Đào Nha đã khuyến khích thương mại hàng hải và ra lệnh cho những chuyến thám hiểm đầu tiên.[39] Quần đảo Canary, đã được biết đến bởi người Genoa, được tuyên bố là được phát hiện chính thức dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha, nhưng vào năm 1344, Castile tranh chấp vùng này, mở rộng sự cạnh tranh của họ ra biển.[40][41]

Để đảm bảo độc quyền về thương mại, người châu Âu (bắt đầu với người Bồ Đào Nha) đã cố gắng áp đặt một hệ thống thương mại địa trung hải sử dụng sức mạnh quân sự và đe dọa chuyển hướng thương mại qua các cảng mà họ kiểm soát; nơi hàng hóa có thể bị đánh thuế.[54] Năm 1415, Ceuta bị chinh phục bởi Bồ Đào Nha nhằm kiểm soát việc điều hướng bờ biển châu Phi. Hoàng tử trẻ Henrique Nhà hàng hải nhận thức được lợi nhuận trong các tuyến thương mại xuyên Sahara. Trong nhiều thế kỷ, các tuyến đường buôn bán nô lệ và vàng liên kết Tây Phi với Địa Trung Hải phải đi qua sa mạc Tây Sahara, kiểm soát bởi người Moors ở Bắc Phi.

Henry muốn biết lãnh thổ Hồi giáo ở Châu Phi kéo dài bao xa, hy vọng luồn qua được chúng và giao dịch trực tiếp với Tây Phi bằng đường biển, tìm các đồng minh ở vùng đất Kitô giáo huyền thoại ở phía nam [55] như vương quốc Kitô giáo đã mất từ ​​lâu của Prester John[56] và để thăm dò xem liệu có thể đến Ấn Độ bằng đường biển hay không, nguồn gốc của tuyến buôn gia vị sinh lời. Ông đầu tư vào các chuyến đi xuống bờ biển Mauritanie, tập hợp một nhóm thương nhân, chủ tàu và người có quan tâm đến các tuyến đường biển mới. Chẳng bao lâu, họ đã tới được các đảo Madeira ở Đại Tây Dương (1419) và Azores (1427). Người lãnh đạo đoàn thám hiểm, người đã thiết lập các khu định cư trên đảo Madeira, chính là João Gonçalves Zarco. [57]

Thời bấy giờ, người châu Âu không biết những gì nằm xa hơn Mũi Non (Mũi Chaunar) trên bờ biển châu Phi và liệu có thể quay trở lại sau khi vượt qua nó.[58] Huyền thoại cảnh cáo về quái vật đại dương hoặc rìa của thế giới, nhưng sự điều hướng của Hoàng tử Henry đã thách thức những niềm tin như vậy: bắt đầu từ năm 1421, đi thuyền vượt qua nó, đến Mũi Bojador khó khăn mà vào năm 1434, một trong những thuyền trưởng của Hoàng tử Henry, Gil Eanes, vượt qua được.

Một bước tiến lớn là sự ra đời của tàu ca-ra-ve vào giữa thế kỷ XV, một loại tàu nhỏ có khả năng đi ngược gió tốt hơn bất kỳ tàu nào khác ở châu Âu vào thời điểm đó.[59] Phát triển từ các thiết kế tàu đánh cá, chúng là các con tàu đầu tiên có thể bớt sự phụ thuộc vào hải đồ và đi an toàn trên Đại Tây Dương. Để định hướng trên biển bằng thiên thể, người Bồ Đào Nha đã sử dụng Lịch thiên văn, trải qua một sự khuếch tán đáng chú ý trong thế kỷ XV. Đây là những biểu đồ thiên văn vẽ đồ thị vị trí của các ngôi sao trong một khoảng thời gian riêng biệt. Được xuất bản năm 1496 bởi nhà thiên văn học, nhà chiêm tinh và nhà toán học người Do Thái, Abraham Zacuto, cuốn Almanach Perpetuum bao gồm một số bảng miêu tả sự chuyển động của các ngôi sao. [60] Các bảng này cách mạng hóa hoạt động hoa tiêu, cho phép tính toán vĩ độ. Kinh độ chính xác, tuy nhiên, vẫn khó nắm bắt trong nhiều thế kỷ. [61] [62] Sử dụng tàu ca-ra-ve, việc thăm dò có hệ thống tiếp tục ở phía nam xa hơn, tiến lên trung bình một độ mỗi năm.[63] Bán đảo Sénégal và Mũi Verde đã được khám phá vào năm 1445 và năm 1446, Álvaro Fernandes đã tới tận Sierra Leone ngày nay.

Năm 1453, Constantinople rơi vào tay người Ottoman là một đòn giáng mạnh vào các Thiên chúa quốc và mối quan hệ kinh doanh được thiết lập liên kết với phương đông. Năm 1455, Giáo hoàng Nicholas V ban hành tông sắc Romanus Pontifex củng cố Dum Diversas trước đó (1452), trao tất cả các vùng đất và biển được phát hiện ngoài Mũi Bojador cho vua Afonso V xứ Bồ Đào Nha và những người kế vị ông, cũng như buôn bán và chinh phục người Hồi giáo hay ngoại đạo, một chính sách Biển đóng ở Đại Tây Dương.[64] Nhà vua, người đã tìm hiểu các chuyên gia Genova về một tuyến đường biển đến Ấn Độ, đã ủy thác bản đồ thế giới Fra Mauro, đưa tới Lisbon năm 1459. [65]

Các khám phá sau Hoàng tử Henry

Bản mô hình tàu ca-ra-vê giữa thế kỷ XV

Năm 1460 Pedro de Sintra đặt chân đến Sierra Leone. Hoàng tử Henry qua đời vào tháng 11 năm đó, do thu nhập ít ỏi, các cuộc thám hiểm được ủy thác cho thương nhân Fernão Gomes năm 1469, để đổi lấy độc quyền thương mại ở Vịnh Guinea ông này phải khám phá 100 dặm (161 km) mỗi năm trong vòng 5 năm.[66] Với sự tài trợ của ông, các nhà thám hiểm João de Santarém, Pedro Escobar, Lopo Gonçalves, Fernão do Pó và Pedro de Sintra đã vượt xa những mục tiêu đó. Họ đến Nam bán cầu và các đảo thuộc Vịnh Guinea, bao gồm São Tomé và Príncipe và Elmina trên Bờ biển Vàng vào năm 1471 (Ở Nam bán cầu, họ đã sử dụng chòm Nam Thập Tự làm mốc cho việc định hướng hàng hải.). Ở nơi nay gọi là "Bờ biển vàng" Ghana ngày nay, một tuyến mậu dich vàng nơi hay mưa thịnh vượng được tìm thấy giữa người bản địa và thương nhân Ả Rập và Berber.

Năm 1478 (trong Chiến tranh kế vị Castile), ngoài khơi Elmina diễn ra một cuộc hải chiến giữa Hạm đội Castile gồm 35 tàu ca-ra-ve và hạm đội Bồ Đào Nha để giành quyền bá chủ thương mại Guinea (vàng, nô lệ, ngà voi và hạt tiêu). Bồ Đào Nha thắng lợi, dẫn đến các Quốc vương Công giáo công nhận chính thức các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Tây Phi thuộc về Bồ Đào Nha theo Hiệp ước Alcáçovas, 1479. (Xem mục trên Elmina.) Đây là cuộc chiến tranh thuộc địa đầu tiên giữa các cường quốc châu Âu.

Năm 1481, João II mới đăng quang đã cho dựng feitoria tại São Jorge da Mina. Năm 1482, sông Congo được Diogo Cão khám phá,[67] người vào năm 1486 tiếp tục khám phá Mũi Cross (Namibia hiện đại).

Bước đột phá quan trọng tiếp theo là vào năm 1488, khi Bartolomeu Dias đi vòng qua mũi phía nam châu Phi, nơi ông đặt tên là "Mũi bão" (Cabo das Tormentas), neo đậu tại Vịnh Mossel và sau đó đi thuyền về phía đông đến tận cửa sông Great Fish, chứng minh rằng Ấn Độ Dương có thể được tiếp cận từ Đại Tây Dương. Đồng thời, Pêro da Covilhã, được gửi đi do thám trên đất liền, tới Ethiopia và thu thập thông tin quan trọng về Biển Đỏ và bờ biển Quenia, rằng một tuyến đường biển đến Ấn Độ sẽ sớm mở ra.[68] Chẳng bao lâu, mũi đất được đổi tên bởi vua John II xứ Bồ Đào Nha thành "Mũi hảo vọng" (Cabo da Boa Esperança), vì sự lạc quan đem lại do khả năng của một tuyến đường biển đến Ấn Độ, chứng minh quan niệm của Ptolemy là sai lầm.

Tây Ban Nha vào cuộc: Columbus và Tây Ấn

4 chuyến hành trình của Christopher Columbus 1492–1503

Castile, kình địch lân bang của Bồ Đào Nha, bắt đầu thiết lập quyền cai trị trên quần đảo Canary, nằm ngoài khơi phía tây châu Phi, vào năm 1402, nhưng bị dao động bởi lục đục chính trị tại chính quốc và các cuộc kháng chiến chống quân Hồi giáo hầu hết ở thế kỷ XV. Chỉ vào cuối thế kỷ đó, sau khi thống nhất vương quốc Castile-Aragon và hoàn thành cuộc reconquista, Tây Ban Nha mới đổ công sức vào khám phá các tuyến thương mại đường biển. Vương miện Aragon từng là một cường quốc hàng hải quan trọng ở Địa Trung Hải, kiểm soát các vùng lãnh thổ ở miền đông Tây Ban Nha, Tây Nam nước Pháp, các đảo lớn như Sicily, Malta, và Vương quốc NaplesSardinia, với cương thổ trải dài đến tận Hy Lạp. Năm 1492, các đồng cai trị đã chinh phục vương quốc Moorish của Granada, nước chư hầu công nạp cho Castile hàng hóa châu Phi, và quyết định tài trợ cho các cuộc thám hiểm của Christopher Columbus với hy vọng đánh đổ sự độc quyền của Bồ Đào Nha trên các tuyến đường biển phía tây châu Phi, để đến "Ấn Độ" (phía đông và nam Á) bằng cách đi về phía tây. [70] Hai lần trước, vào năm 1485 và 1488, Columbus đã trình bày dự án cho vua John II xứ Bồ Đào Nha, người đã khước từ ông.

Vào tối ngày 3 tháng 8 năm 1492, Columbus rời bến từ Palos de la Frontera với ba chiếc tàu; một tàu carrack lớn, Santa María, biệt danh là Gallega, và hai tàu hộ tống nhỏ hơn, Pinta và Santa Clara, biệt danh là Niña. Columbus lần đầu tiên dặt chân lên Quần đảo Canary, nơi ông lấy nhu yếu phẩm cho chuyến đi dài năm tuần vượt đại dương, băng qua một phần của Đại Tây Dương được gọi là Biển Sargasso.

Họ nhìn thấy đất liền vào ngày 12 tháng 10 năm 1492 và Columbus gọi hòn đảo (nay là vùng Bahamas) San Salvador, nơi mà ông nghĩ là "Đông Ấn". Columbus cũng đã khám phá bờ biển phía đông bắc Cuba (cập bến vào ngày 28 tháng 10) và bờ biển phía bắc của Hispaniola, vào ngày 5 tháng 12. Ông được vị cacique (thủ lĩnh) bản địa Guacanagari chấp thuận, cho phép ông để lại một vài người trong đoàn ở đây.

Columbus để lại 39 người đàn ông và họ thành lập khu định cư La Navidad tại Haiti ngày nay.[71] Trước khi trở về Tây Ban Nha, ông bắt cóc khoảng mười đến hai mươi lăm người bản địa và đưa họ về Tây Ban Nha. Chỉ có bảy hoặc tám trong số những "Người Ấn Độ" bản địa đến được Tây Ban Nha còn sống, nhưng đã gây ấn tượng khá tốt với Seville.[72]

Khi trở về, một cơn bão buộc ông phải cập cảng Lisbon, vào ngày 4 tháng 3 năm 1493. Sau một tuần ở Bồ Đào Nha, ông lên đường sang Tây Ban Nha và vào ngày 15 tháng 3 năm 1493 đến Barcelona, ​​nơi ông yết kiến Nữ hoàng Isabella và Vua Ferdinand. Tin tức về việc ông khám phá ra những vùng đất mới nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu.[73]

Columbus và các nhà thám hiểm Tây Ban Nha khác ban đầu thất vọng với những khám phá của họ, không giống như Châu Phi hay Châu Á, dân cư Ca-ri-bê có ít hàng hóa để giao thương với đội tàu Castile. Các hòn đảo do đó trở thành trọng tâm của các nỗ lực thuộc địa. Chỉ đến khi chính lục địa này được khám phá, Tây Ban Nha mới tìm thấy sự giàu có mà họ đang tìm kiếm.

Hiệp ước Tordesillas (1494)

Đường kẻ hiệp ước Tordesillas năm 1494 (tím) và Quần đảo Maluku sau này đường kẻ đói diện (tím), theo Hiệp ước Zaragoza (1529)

Ngay sau khi Columbus trở về từ nơi mà sau này được gọi là "Tây Ấn", một sự phân chia ảnh hưởng trở nên cần thiết để tránh xung đột giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.[74] Vào ngày 4 tháng 5 năm 1493, hai tháng sau khi Columbus cập bến, các Quốc vương Công giáo đã nhận được một tông sắc (Inter caetera) từ Giáo hoàng Alexander VI ra lệnh rằng tất cả các vùng đất phía tây và phía nam của một đường từ cực đến cực cách 100 dặm tây nam Açores hoặc Quần đảo Mũi Verde sẽ thuộc về Castile và sau đó, tất cả các vùng lục địa chính và đảo còn lại thuộc về Ấn Độ. Sắc chỉ không đề cập đến Bồ Đào Nha, do vậy họ không thể lấy những vùng đất mới được phát hiện ở phía đông của đường.

Một thỏa thuận đã đạt được vào năm 1494, với Hiệp ước Tordesillas chia đôi thế giới giữa hai cường quốc. Trong hiệp ước này, người Bồ Đào Nha nhận được mọi thứ bên ngoài châu Âu ở phía đông của một đường cắt chạy 370 dặm phía tây quần đảo Cape Verde (thuộc về Bồ Đào Nha) và những hòn đảo được Christopher Columbus phát hiện trong chuyến đi đầu tiên (được tuyên bố là thuộc Castile), được đặt tên là Cipangu và Antilia (Cuba và Hispaniola). Điều này đã cho họ quyền kiểm soát tuyệt đối với Châu Phi, Châu Á và miền đông Nam Mỹ (Brazil). Người Tây Ban Nha (Castile) lấy được mọi tấc đất ở phía tây đường kẻ này. Vào thời điểm đàm phán, hiệp ước đã chia đôi thế giới của các đảo Đại Tây Dương, với đường phân chia khoảng một nửa giữa Cape Verde của Bồ Đào Nha và các khám phá của Tây Ban Nha ở vùng biển Caribbean.

Một thế giới mới: Châu Mỹ

Chi tiết bản đồ Waldseemüller 1507 có ghi "America" lần đầu tiên trong lịch sử.

Bắc Mỹ

John Cabot được ban giấy chứng nhận đặc quyền từ Vua Henry VII của Anh. Đi thuyền từ Bristol, có lẽ được hỗ trợ bởi Hiệp hội các thương nhân địa phương, Cabot vượt Đại Tây Dương trên phía bắc với hy vọng chuyến đi đến "Tây Ấn" sẽ ngắn hơn[42] và cập bến tại một nơi nào đó ở Bắc Mỹ, có thể là Newfoundland. Năm 1499, João Fernandes Lavrador được Vua Bồ cấp phép và ông ra khơi cùng với Pêro de Barcelos. Họ là người khám phá ra Labrador, được nhượng và đặt theo tên João. Sau khi trở về, ông có thể đã cập bến Bristol để lấy danh nghĩa khám phá của nước Anh.[43] Giữa năm 1499 và 1502, anh em Gaspar và Miguel Corte Real đã men theo và đặt tên cho bờ biển Greenland và Newfoundland.[44] Cả hai cuộc thám hiểm đều được ghi nhận trong bản đồ thế giới Cantino năm 1502.

"Ấn Độ thực sự" và Brazil

Năm 1497, Quốc vương Manuel I xứ Bồ Đào Nha gửi một hạm đội thám hiểm về phía đông, hoàn tất sứ mệnh của những tiền nhân tìm đường đến Ấn Độ. Vào tháng 7 năm 1499, tin tức lan truyền rằng người Bồ Đào Nha đã tới được "Ấn Độ thật", vì vua Bồ đã gửi một bức thư báo tin vui đến các Quốc vương Công giáo Tây Ban Nha một ngày sau khi đoàn tàu trở về.

Hành trình thứ ba của Columbus vào năm 1498 mở màn cho cuộc xâm chiếm thuộc địa thành công đầu tiên ở Tây Ấn, trên đảo Hispaniola. Mặc dù bị hoài nghi, Columbus vẫn bảo thủ rằng ông đã đến được Ấn Độ. Trong chuyến đi, ông phát hiện ra cửa sông Orinoco ở bờ biển phía bắc Nam Mỹ (nay là Venezuela) và nghĩ rằng lượng nước ngọt khổng lồ đổ ra biển chỉ có thể bắt nguồn từ một khối đất liền, mà ông đinh ninh là châu Á lục địa.

Khi trao đổi giữa Seville và Tây Ấn phát triển, kiến ​​thức về các đảo Caribbean, Trung Mỹ và bờ biển phía bắc của Nam Mỹ tăng lên. Đội tàu Tây Ban Nha của Alonso de OjedaAmerigo Vespucci năm 1499–1500 đã đặt chân lên bờ biển của Guyana ngày nay. Vespucci đi thuyền về phía nam, khám phá cửa sông Amazon vào tháng 7 năm 1499,[45][46] và đạt 6° Nam, ở phía đông bắc Brazil ngày nay, trước khi quay lại.

Vào đầu năm 1500 đoàn của Vicente Yáñez Pinzon bị một cơn bão làm chệch hướng và đi lạc đến tận bờ biển phía đông bắc của Brazil vào ngày 26 tháng 1 năm 1500, do thám về phía nam tới bang Pernambuco ngày nay. Hạm đội của ông là những người đầu tiên đi vào cửa sông Amazon mà họ đặt tên là Río Santa María de la Mar Dulce (Sông Saint Mary của Biển nước ngọt).[47] Tuy vậy, vùng đất quá xa về phía đông để người tây Ban Nha có thể lấy được do Hiệp ước Tordesillas, nhưng phát hiện này đã khiến người Tây Ban Nha càng hứng thú hơn về miền đất này, với chuyến đi thứ hai của Pinzon vào năm 1508 (một chuyến khảo sát dọc bờ biển phía bắc đến bờ biển Trung Mỹ đại lục, để tìm kiếm một lối đi về phía Đông) và một chuyến đi vào năm 1515-1516 bởi một hoa tiêu của đoàn thám hiểm 1508, Juan Díaz de Solís. Cuộc thám hiểm năm 1515-1516 được thúc đẩy bởi các báo cáo về người Bồ Đào Nha trong khu vực (xem bên dưới). Cuộc thám thính đã kết thúc khi de Solís và một số thủy thủ đoàn của ông mất tích khi khám phá Sông La Plata trên một chiếc thuyền, nhưng những gì họ tìm thấy đã khơi dậy sự quan tâm của Tây Ban Nha, và công cuộc thuộc địa hóa bắt đầu vào năm 1531.

Vào tháng 4 năm 1500, Hạm đội Bồ Ấn thứ hai, dẫn đầu bởi Pedro Álvares Cabral, gồm nhiều vị thuyền trưởng kỳ cựu, bao gồm Bartolomeu Dias và Nicolau Coelho, cập bến Brazil khi họ đi về phía tây Đại Tây Dương trong khi thực hiện một "volta do mar" để tránh bị kẹt trong Vịnh Guinea do không có gió. Vào ngày 21 tháng 4 năm 1500, họ trông thấy một ngọn núi và đặt tên là Monte Pascoal, và vào ngày 22 tháng 4, Cabral lên trên bờ. Vào ngày 25 tháng 4, toàn bộ hạm đội đã đi vào bến cảng mà họ đặt tên là Porto Seguro (Cảng an toàn). Cabral nhận thấy rằng vùng đất mới nằm ở phía đông của đường kẻ Tordesillas và gửi một phái viên về Bồ Đào Nha cùng với thông tin về vùng đất mới này, bao gồm một bức thư của Pero Vaz de Caminha miêu tả rất chân thực về Brazil trước năm 1500. Tin rằng nơi này là một hòn đảo, ông đặt tên cho nó là Ilha de Vera Cruz.[83] Một số sử gia cho rằng người Bồ Đào Nha có thể đã thấy vùng đất Nam Mỹ này trước khi thực hiện "volta do mar", giải thích sự kiên quyết của vua John II trong việc di chuyển đường kẻ về phía tây vào năm 1494, vì vậy việc ông cập bến Brazil có thể không hoàn toàn là tình cờ. Tuy vậy, cũng không loại trừ khả năng động lực của John chỉ đơn thuần là tăng cơ hội lấy những vùng đất mới ở Đại Tây Dương.[84] Từ bờ biển phía đông, hạm đội sau đó quay về hướng đông để tiếp tục hành trình đến mũi phía nam của châu Phi và Ấn Độ. Cabral là thuyền trưởng đầu tiên tới cả bốn lục địa, dẫn đầu đoàn thám hiểm đầu tiên kết nối và thống nhất châu Âu, châu Phi, thế giới mới và châu Á.[85][86]

Theo lời mời của Vua Manuel I, Amerigo Vespucci[87] — một người Florentine từng làm việc cho một chi nhánh của Ngân hàng MediciSeville từ năm 1491 — phù hợp với các chuyến thám hiểm đại dương và từng đi đến The Guianas hai lần với Juan de la Cosa phụng sự Tây Ban Nha[88] — với tư cách là hoa tiêu trong các hành trình đến bờ biển phía đông Nam Mỹ. Các cuộc thám hiểm này đã được biết đến rộng rãi ở châu Âu sau khi hai ghi chép được cho là của ông, được xuất bản từ năm 1502 đến 1504, cho rằng những vùng đất mới được phát hiện không phải là Ấn Độ mà là "Thế giới mới",[89] Mundus novus, tựa đề tiếng Latinh của một tài liệu đương đại dựa trên những bức thư của Vespucci gửi cho Lorenzo di Pierfrancesco de 'Medici.[90] Người ta sớm nhận ra Columbus chưa từng đặt chân đến Châu Á mà đã phát hiện một lục địa mới hoàn toàn, Châu Mỹ. Châu Mỹ được đặt tên vào năm 1507 bởi các nhà vẽ bản đồ Martin Waldseemüller và Matthias Ringmann, có lẽ sau Amerigo Vespucci.

Khoảng năm 1501–1502, một trong những cuộc thám hiểm của Bồ Đào Nha, dẫn đầu bởi Gonçalo Coelho (và/hoặc André Gonçalves hoặc Gaspar de Lemos), dong buồm về phía nam ven bờ Nam Mỹ đến vịnh Rio de Janeiro ngày nay. Ghi chép của Amerigo Vespucci kể rằng đoàn thám hiểm đã đạt đến vĩ độ "Nam cực cao 52°Nam", ở vĩ độ "lạnh" của vùng phía nam Patagonia (có thể gần Eo biển), trước khi quay trở lại. Vespucci viết rằng họ đi về phía tây nam và nam, dọc "một bờ biển dài, không ngoằn ngoèo" (trùng khớp với bờ biển phía Nam Nam Mỹ). Điều này có vẻ không chính xác, vì ông đã chỉnh sửa một phần mô tả của mình trong bức thư tiếp theo, nêu rõ một sự thay đổi, từ khoảng 32°Nam (Nam Brazil), về phía nam-đông nam, ra biển rộng; tuy nhiên, vẫn cho rằng họ đã đạt tới 50°/52°Nam (Đây có thể là do quyết định của chính ông hoặc bởi người kiểm duyệt D. Manuel, người có thể đã gây áp lực buộc ông phải thay đổi ghi chép, bởi vì sợ rằng tiết lộ quá nhiều với Lorenzo de 'Medici và công chúng,).[91][92]

Năm 1503, Binot Paulmier de Gonneville, thách thức chính sách mare clausum của Bồ Đào Nha, đã dẫn đầu một trong những cuộc thám hiểm NormandBreton sớm nhất của Pháp tới Brazil. Ông định đi thuyền đến Đông Ấn, nhưng gần Mũi Hảo Vọng, con tàu của ông bị lệch hướng về phía tây bởi một cơn bão, và đáp xuống ở bang Santa Catarina (miền nam Brazil) ngày nay, vào ngày 5 tháng 1 năm 1504.

Vào khoảng 1511–1512, thuyền trưởng người Bồ João de Lisboa và Estevão de Fróis đã vào cửa Sông La Plata ở Uruguay và Argentina ngày nay, và đã đi xa về phía nam tới Vịnh San Matias ngày nay ở 42°Nam (được ghi trong Newen Zeytung auss Pressilandt có nghĩa là "Tin tức mới từ vùng đất Brazil"). [93][94] Đoàn thám hiểm đã gặp một mũi đất kéo dài từ bắc xuống nam mà họ gọi là Mũi của "Santa Maria" (Punta del Este, giữ tên Mũi gần đó); và sau 40 °Nam, họ tìm thấy một "Mũi" hoặc "một điểm hoặc một địa điểm kéo dài ra biển" và một "Vịnh" (vào tháng Sáu và tháng Bảy). Sau khi họ rong ruổi gần 300 km (186 dặm) để đi vòng qua mũi, họ lại nhìn thấy lục địa ở phía bên kia, và đi về phía tây bắc, nhưng một cơn bão đã ngăn họ tiến tiếp. Bị Tramontane hoặc gió bắc cuốn đi, họ rút lui. Họ mang về những tin tức đầu tiên về Vua Trắng và "người dân vùng núi" trong nội địa (Đế quốc Inca), và một món quà, một chiếc rìu bạc, tặng bởi người bản địa Charrúa khi quay trở về ("gần bờ biển hoặc bên bờ của Brazil ") và "về phía Tây "(dọc theo bờ biển và cửa sông La Plata), và được dâng cho vua Manuel I.[95] Christopher de Haro, người Flemish gốc Sephardic (một trong những nhà tài trợ cuộc thám hiểm cùng với D. Nuno Manuel), người sẽ phụng sự Tây Ban Nha sau năm 1516, tin rằng các nhà hàng hải đã phát hiện ra một eo biển phía nam đến phía tây và châu Á.

Năm 1519, một đoàn thám hiểm được gửi đi từ Tây Ban Nha để tìm đường đến châu Á dẫn dắt bởi nhà hàng hải người Bồ Đào Nha giàu kinh nghiệm Ferdinand Magellan. Hạm đội đã khám phá các con sông, vịnh và lập bản đồ bờ biển Nam Mỹ cho đến khi tìm được đường sang Thái Bình Dương thông qua eo biển Magellan.

Khoảng năm 1524–1525, Aleixo Garcia, một conquistador Bồ Đào Nha (có lẽ là cựu chiến binh của cuộc viễn chinh Solís năm 1516), dẫn đầu một đoàn thám hiểm tư nhân khám phá các xác tàu đắm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, tuyển mộ khoảng 2000 người Anh-điêng Guaraní. Họ đã khám phá các vùng lãnh thổ của miền nam Brazil, Paraguay và Bolivia ngày nay, bằng cách sử dụng mạng lưới đường mòn bản địa, Peabiru. Họ cũng là những người châu Âu đầu tiên băng qua Chaco và tiếp xúc với vùng lãnh thổ bên ngoài Đế chế Inca trên những ngọn đồi của dãy Andes, gần Sucre.[96]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thời_đại_Khám_phá http://militaryhistory.about.com/od/battleswars140... http://www.fsmitha.com/h3/h17-am.html http://www.goodreads.com/book/show/4820349-amerigo... http://www.history.com/topics/exploration/christop... http://www.infoplease.com/biography/var/bartolomeu... http://www.learnerator.com/ap-european-history/stu... https://books.google.com/books/about/Tratado_das_i... https://archive.org/details/amerigovespuccip0000po... https://archive.org/details/amerigovespuccip0000po... https://archive.org/details/europeandiscover00mori...